Mặt trời lặn rồi lại mọc, quang âm trôi đi. Trong lúc Chu Bình An vẩy mực luyện chữ, rửa ống bút, thời gian như cát trong lòng bàn tay, lặng lẽ trôi qua kẽ ngón tay. Lễ mừng thọ của Lão phu nhân Lâm Hoài Hầu phủ thoáng chốc đã tới gần. Lâm Hoài Hầu phủ giăng đèn kết hoa, một vùng hân hoan, tất cả đều đang chuẩn bị cho lễ mừng thọ của Lão phu nhân vào ngày mai.
Chu Bình An cũng đã chuẩn bị quà mừng thọ cho Lão phu nhân Lâm Hoài Hầu phủ, đó là một bức thư họa do chính tay hắn viết. Giấy là loại giấy Chử bì thượng hạng mà Chu Bình An mua ở ngoài, trắng mịn như gương, sợi giấy được giã rất nhỏ, kết cấu đều đặn, chặt chẽ, tinh xảo như tơ tằm. Loại giấy này ăn mực đều, dùng nó làm tranh chữ, có thể dùng để thưởng lãm trọn đời.
Khi viết thư họa, Chu Bình An cũng đã suy nghĩ kỹ càng. Ở thời cổ đại, trong những gia tộc thuộc dòng dõi chuông khánh thế này, mỗi khi đến ngày mừng thọ của bậc trưởng bối, mọi người thường tặng thơ mừng hoặc câu đối chúc thọ. Phần lớn những lời chúc thọ đều đã quá quen thuộc, vì vậy có bậc thi nhân đã chỉ ra cái khó của việc này: "Khó nhất chính là lời chúc thọ, nếu chỉ nói về phú quý thì hóa ra trần tục; nếu chỉ nói về công danh thì lại thành xu nịnh; nếu chỉ nói về thần tiên thì lại thành viển vông, hoang đường." Nhìn chung các bài thơ, câu đối chúc thọ, về cơ bản đều không thoát khỏi những câu như "Phúc như Đông Hải, Thọ tỷ Nam Sơn", những lời chúc thọ kiểu này gần như đã nhàm tai.
Chu Bình An suy nghĩ một lát, rồi chấm mực đậm, trên tờ giấy Chử bì thượng hạng, rồng bay phượng múa viết một bức thư họa:
"Chẳng cần phải nói, chính là Quan Âm Bồ Tát tại thế. Cớ sao năm nay, dung mạo đã sáu mươi, mà nhìn kỹ lại ngỡ mới mười sáu.